Cuối Khai Nguyên và Thiên Bảo: mầm mống loạn lạc Đường_Minh_Hoàng

Đường Minh Hoàng đến đất Thục, tranh vẽ vào thế kỉ VIII, được tái họa vào thế kỉ XI

Từ cuối đời Khai Nguyên, Minh Hoàng lao vào ăn chơi xa xỉ, lại sủng ái Quý phi Dương Thái Chân mà bỏ bê chánh sự, mầm mống của sự diệt vong dần xuất hiện. Để có chi phí cho chiến tranh, nhà Đường lại tăng mức sưu thuế mà nhân dân phải đóng góp, lại thêm nạn tham quan, nên đời sống nhân dân khổ cực hơn. Chính trị xuống dốc, gian thần Lý Lâm Phủ được trọng dụng, ngăn chặn đường tiến thân của kẻ sĩ, ý đồ độc chiếm triều đình. Bên ngoài, chính sách trong nặng ngoài nhẹ của Lý Lâm Phủ góp phần giúp cho thế lực ngoại tộc phát triển, An Lộc Sơn (người Đột Quyết) có thế lực ở Đông Bắc, phát triển thế lực, đến năm 755 phản Đường, gây ra Loạn An Sử. Nhà Đường do đó mà suýt nữa bị diệt vong.

Đuổi trung thần, dùng gian thần

Thị lang bộ binh Lý Lâm Phủ là người giảo hoạt, xu nịnh. Hắn ta mua chuọc các hoạn quan và tì nữ thân cận của Minh Hoàng để biết được các hoạt động và sở thích của Minh Hoàng, lại kết giao với Võ Huệ phi, hứa giúp con bà ta là Thọ vương Lý Mạo làm Hoàng thái tử. Do đó Huệ phi tín nhiệm Lâm Phủ, nhiều lần tiến cử hắn lên Minh Hoàng. Tháng 4 năm 734, hắn được phong làm Lễ bộ thượng thư. Sang tháng 6, nhà vua phong Bùi Quang Đình làm Thị trung, Trương Cửu Linh làm Trung thư lệnh, Lâm Phủ làm Đồng trung thư môn hạ tam phẩm. Ba người trở thành ba tể tướng trong triều[43].

Cũng năm đó, hoàng đế thấy Trương Thủ Khuê có nhiều công trạng, muốn phong làm Tể tướng, nhưng Trương Cửu Linh lo sợ mất quyền lực, bèn thuyết phục ông bỏ ý định. Dù vậy, Trương Thủ Khuê cũng được thăng lên các chức vụ cao trong triều[65]. Từ năm 736, nhà vua ngày càng tỏ ra không còn tha thiết với việc chánh sự, và bắt đầu trở nên lãng phí và thích tiêu khiển. Trương Cửu Linh nhiều lần khuyên gián, khiến ông không vừa ý và từ đó Cửu Linh dần bị thất sủng. Hơn nữa, Cửu Linh ủng hộ thái tử Lý Anh[Ghi chú 17], trong khi Lý Lâm Phủ đứng về phe Thọ vương Lý Mạo (con trai của Võ Huệ phi). Năm 736, Lý Lâm Phủ bày mưu khiến Minh Hoàng tin rằng Trưởng Cửu LinhBùi Diên Linh kết bè kết đảng trong triều, khiến hai ông này bị bãi chức. Lâm Phủ đưa Ngưu Tiên Khách là người cùng phe cánh vào triều, để củng cố quyền lực. Mùa hạ năm năm 737, Giám sát ngự sử Chu Tử Lượng phát hiện Ngưu Tiên Khách là kẻ bất tài, đưa bằng chứng lên Minh Hoàng. Nhưng hoàng đế đã bị Lý Lâm Phủ làm mờ mắt, chẳng những không nghe mà còn biếm chức Tử Lương, đánh trượng và đày sang Nhương châu. Lý Lâm Phủ nhân đó tố cáo rằng Chu Tử Lượng là do Trương Cửu Linh tiến cử, do đó Cửu Linh bị bãi chức Tể tướng, đày sang Kinh châu[Ghi chú 18]. Trong khoảng 15 năm tiếp theo, Lý Lâm Phủ độc chưởng quyền hành, và dùng nhiều thủ đoạn để có thể giữ được quyền lực, bao gồm cả việc nói xấu những người tài năng có khả năng đe dọa vị trí của mình, và tìm cách ngăn chặn những công văn nói xấu mình tới tai hoàng đế. Không khí tự do trong triều đình những năm đầu Khai Nguyên đến đây đã không còn nữa. Điều này thường được các nhà sử học truyền thống xem là bước ngoặt trong thời đại của Minh Hoàng, chấm dứt một thời kỳ hoàng kim trong lịch sử, mở ra một thời kỳ suy thoái. Nhận xét của Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám[45]

Trong số các tể thần mà Thượng ủy thác từ sau khi ông lên ngôi, Diêu Sùng hành xử mềm dẻo, Tống Cảnh thượng tôn pháp luật, Trương Gia Trinh có khả năng quản lý hành chính, Trương Thuyết có tài văn học, Lý Nguyên Hoành, Đỗ XiêmTrương Cửu Linh được cái trung thực. Tất cả bọn họ đều có ưu điểm riêng. Tuy nhiên, sau khi Trương Cửu Linh bị giáng chức, mọi người trong triều chỉ lo khư khư giữ ghế, và những lời nói trung thực không còn có chỗ đứng trong triều đình.

Một lúc giết ba con

Tiếp đó đầu năm 737, Lý Lâm Phủ bày kế hãm hại thái tử Lý Anh. Gian thần Dương Hồi căm ghét Thái tử Lý Anh cùng Ngạc vương Lý Dao, Quang vương Lý Cư. Hắn ta tố cáo rằng thái tử liên kết với anh vợ Tiết Tố Tiềm có mưu đồ đại sự. Còn Lý Lâm Phủ giả vờ không dám bàn tới việc này. Từ lúc Trương Cửu Linh bị bãi chức, thái tử Lý Anh mất đi chỗ dựa, đến đó khi bị gièm pha, thái tử không sao giải thích được. Minh Hoàng bèn ra lệnh đày ba người con Lý Anh, Lý Dao, Lý Cư làm thứ nhân, đày đến Nhương châu, không lâu sau, đích thân ông ra lệnh ép ba hoàng tử phải tự sát ở Lam Điền[33].

Lý Lâm Phủ sau đó được phong làm Tấn quốc công, Ngưu Tiên Khách làm Bân quốc công. Hai người này muốn đưa Thọ vương Lý Mạo, hoàng tử thứ 18, con của Võ Huệ phi làm thái tử, nhưng nhà vua do dự, chần chừ gần 1 năm không quyết định được. Đến năm 738, hoạn quan Cao Lực Sĩ lên tiếng khuyên ông nên lập con trưởng, do đó đến tháng 6 cùng năm, Minh Hoàng lập người con trai lớn tuổi nhất còn sống là Trung vương Lý Dư làm Thái tử, sau đó đổi tên thành Lý Thiệu rồi Lý Hanh.[66]

Tháng 1 năm 738, Võ Huệ phi mất, Minh Hoàng vô cùng xót thương, bèn truy phong bà ta làm Trinh Thuận hoàng hậu. Sử sách ghi nhận rằng Đường Minh Hoàng đã buộc hơn 4 vạn người phụ nữ vào cung để phục vụ cho ông, nhiều hơn bất kỳ nhà Đường hoàng đế nào khác[67][68]. Nhiều người trong số họ đến năm 60 tuổi vẫn không được cho phép xuất khỏi cung[69][70][71][72].

Lý Lâm Phủ lộng quyền

Tháng 2 năm 739, Lý Lâm Phủ được phong làm Thượng thư bộ Lại, Trung thư lệnh. Từ đó hắn trở thành người nắm quyền lực cao nhất trong triều. Có chức Tể tướng, Lý Lâm Phủ tìm mọi cách để củng cố chức vị của mình, dùng thủ đoạn ngăn chặn đường tiến thân của hiền sĩ. Năm 740, Minh Hoàng bất ngờ bãi Ngưu Tiên Khách khỏi triều đình, đày đến Sóc Phương mà không rõ lý do tại sao, nhưng sau lại sử dụng trở lại. Sang đầu năm 742, ông cho đổi niên hiệu Khai Nguyên thứ 30 thành Thiên Bảo nguyên niên.

Ngày 5 tháng 1 năm 742, trưởng huynh của Minh Hoàng là Ninh vương Lý Thành Khí (đổi tên thành Lý Hiến từ năm 716) qua đời. Minh Hoàng vì ngày xưa Ninh vương nhường lại đế vị cho mình, nên đối với Vương luôn dành nhiều sự tôn trọng; đến đây thì truy tôn là Nhượng hoàng đế, táng ở Huệ lăng[Ghi chú 19] theo nghi lễ dành cho thiên tử, vợ là Nguyên thị là Cung hoàng hậu. Mùa thu năm đó, Ngưu Tiên Khách chết, nhà vua dùng một thành viên trong tông thất Lý gia là Lý Thích Chi được đảm nhiệm ngôi Tả thừa tướng[73].

Năm 743, Minh Hoàng muốn phong cho Dương Thận Căng làm Ngự sử trung thừa, nhưng Dương Thận Căng sợ Lý Lâm Phủ sẽ hãm hại nên không dám nhận. Từ đó, các đại thần hầu hết sợ uy Lý Lâm Phủ, việc gì cũng nghe theo hắn, không còn ai dám can ngăn thẳng thắn nữa. Nền chính trị tốt đẹp thời Khai Nguyên đã trở thành quá khứ. Đầu năm 745, do thấy Minh Hoàng trọng dụng Thượng thư bộ Hộ Bùi Khoan Tố, Lý Lâm Phủ lo sợ chức Tể tướng bị lung lay, bèn gièm pha Khoan Tố. Do đó Khoan Tố bị đày đến Tuy Dương.

Tuy nhiên Lý Lâm Phủ cũng gặp phải sự chống đối từ Lý Thích Chi, một tể tướng khác. Đến giữa năm 746, anh của thái tử phi Vi thị là Vi Kiên bị Lý Lâm Phủ mưu hại. Tương tác thiếu tượng Vi Lâm cùng Binh bộ ngoại lang Vi Chi mượn lời của thái tử Lý Hanh xin tha cho Vi Kiên. Minh Hoàng rất tức giận còn Lý Hanh rất lo sợ, bèn xin ly hôn với Thái tử phi Vi thị. Sau đó nhiều thành viên trong gia tộc họ Vi bị lưu đày xuống phương nam. Nhân đó Lý Lâm Phủ tố cáo cả Lý Thích Chi có liên hệ với họ Vi. Do đó Lý Thích Chi bị bãi chức, giáng làm Thái thú Nghi Xuân[37]. Các đại thần khác như Vi Bân, Bùi Khoan, Lý Tề Vật,... tổng cộng hơn 10 người bị đuổi khỏi triều đình, riêng Vi Kiến, Lý UngBùi Đôn Phục bị xử tử. Thay thế tướng vị bỏ trống của Lý Thích ChiTrần Hy Liệt, người được Minh Hoàng cất nhắc chỉ bởi vì thông hiểu Đạo Giáo và các phép phù thủy. Sang năm 747, Hoàng Phủ Duy Minh cùng bốn anh em họ Vi bị ban chết. Lý Thích Chi, Vương Cư - những người theo Minh Hoàng từ thời còn công chúa Thái Bình - sợ hãi, đều uống rượu độc tự tử[74]. Con Lý Thích ChiLý Thích Nghiêng đem thi hài cha về Trường An, cũng bị Lý Lâm Phủ tố cáo và bị đánh cho tới chết.

Cùng năm đó, Minh Hoàng muốn tìm người tài giỏi trong nước ra phục vụ cho triều đình. Lý Lâm Phủ rất lo sợ, bèn nghĩ kế xin Minh Hoàng rằng nếu như có nhiều người ứng tuyển làm quan thì sẽ khó xem xét hết được, nên chia làm hai vòng, sau khi khảo sát kẻ sĩ trong một địa phương rồi mới chọn những người giỏi lên cho triều đình xem xét và bổ dụng. Kết quả Lý Lâm Phủ uy hiếp quan lại địa phương, nên không có sĩ tử nào vượt qua vòng khảo thí ở quận huyện. Lâm Phủ bèn chúc mừng nhà vua rằng nhân tài trong thiên hạ đã về phục vụ triều đình hết rồi, nên trong nhân gian không còn sót một ai nữa[74]. Mùa hạ năm 749, Thái thú Hàm Ninh Triệu Phụng Chương dâng sớ kể 20 tội lớn của Lý Lâm Phủ. Lâm Phủ tức giận, bèn gièm pha Phụng Chương với nhà vua rồi sai triệu ông ta vào cung, đánh cho tới chết.

Sách lập Dương Quý phi

Tranh vẽ Dương Quý Phi tập cưỡi một con ngựa của Tiền Tuyển thời Nam TốngĐường Minh Hoàng và Dương quý phi cùng những người khách mời đi dạo vườn ngự uyển, tranh vẽ của họa sĩ người Nhật Kanō Eitoku (1543 - 1590).

Từ sau cái chết của Võ Huệ phi, Minh Hoàng trở nên buồn rầu không vui. Đến khi ông gặp được Thọ vương phi là Dương Ngọc Hoàn, vợ Lý Mạo, thấy Ngọc Hoàn có sắc đẹp, bèn bắt cô ta làm nữ quan trong cung, rồi đem Vi Chiêu Huấn cho Lý Mạo làm vương phi. Ngọc Hoàn được ban pháp hiệu Thái Chân. Thái Chân pháp sư chẳng những đẹp mà còn giỏi về âm luật. Năm 745, Minh Hoàng đưa bà ta vào cung, và hết mực sủng ái, người trong cung đều gọi là Nương tử. Nghi phục Minh Hoàng dành cho bà ta cũng chẳng khác gì hoàng hậu.[74]. Khi đó Đường Minh Hoàng đã 63 tuổi, còn Dương Thái Chân chỉ mới có 27[75].

Mùa thu năm 746, Minh Hoàng phong Dương Thái Chân làm Quý phi, truy tặng cha Quý phi Dương Huyền Diễm làm Binh Bộ thượng thư, thúc phụ Huyền Khuê làm Quang Lộc Khanh, anh họ Quý phi là Dương Tiêm được phong làm Điện trung thiếu giám. Từ đó, Dương quý phi trở thành người được Minh Hoàng yêu quý nhất và nắm quyền trong hậu cung. Người hầu hạ trong viện của Quý phi có đến hơn 100. Các đại thần bên ngoài muốn được hoàng đế trọng dụng đều chủ động dâng lễ vật quý cho Quý phi. Nhiều người được thăng tiến bằng con đường này. Trong hậu cung, từ khi Dương Quý phi xuất hiện thì các phi tần khác đều rất khó được ân hạnh nữa. Hoàng đế gặp Dương Quý phi lúc tuổi đã ngoài 50, cơ thể suy nhược vì trải qua những thú vui sắc dục thái quá. Hoàng đế nhờ An Lộc Sơn dâng một thứ linh đan gọi là "Trợ tình hoa" giúp có nhiều sức khỏe để được hòa hợp vui say cùng Dương Quý phi. Để làm vui lòng quý phi, Minh Hoàng không tiếc tốn kém bao nhiêu tiền của. Bấy giờ núi Ly Sơn[Ghi chú 20] có cung Ôn Tuyền nằm gần một suối nước nóng. Năm 747, nhà vua cho sửa chữa cung Ôn Tuyền và đổi tên là Hoa Thanh cung. Mỗi năm, cứ đến mùa đông, ông lại cùng Quý phi đến đấy nghỉ và ngắm nàng tắm ở con suối này[76].

Mùa đông năm 748, ba người anh của Dương Quý phiDương Quốc Trung, Dương Tiêm, Dương Kĩ ngày càng trở nên giàu có; mà ba người chị của Quý phi làm Thôi thị, Bùi thị, Liễu thị cũng được phong làm Hàn quốc, Quắc quốcTần quốc phu nhân. Ba người này đều có nhan sắc, cũng được Minh Hoàng yêu mến, trở thành những người giàu có bậc nhất trong thành Trường An[77]. Thấy chỉ nhờ một Dương quý phi mà khiến cả gia tộc được hậu ái đến cùng cực, người Trung Hoa thời kì đó lại thích sinh con gái hơn là con trai.

Dương Quý phi tuy có nhan sắc nhưng tính nết ương ngạnh, nhiều lần đắc tội và xung đột với Minh Hoàng. Tháng 3, năm 750, sau một lần xung đột, Quý phi bị đuổi khỏi cung. Nhưng có hoạn quan Cao Lực Sĩ cầu xin cho Quý phi, do đó nhà vua lại hối hận, sai Lực Sĩ đến thăm, Quý phi cắt tóc gửi về dâng vua. Vua trông thấy mà xúc động quá, lại vời Quý phi về và sủng ái hơn trước.

Quân sự và ngoại giao

Lãnh thổ Đại Đường năm 742

Cuối năm 737, ở nước Đột Kị Thi (vốn bị chia rẽ thành hai phái Hoàng và Hắc) tù trưởng Mạc Hạ Đạt Can giết Khã hãn Tô Lộc. Tướng Đô Ma Độ, đồng minh cũ của Mạc Hạ Đạt Can là Đô Ma Độ chống lại ông ta, lập Cốt Xuyết là Thổ Hỏa Tiên Khả hãn, phân tranh với Mạc Hạ Đạt Can. Mạc Hạ Đạt Can sai người đến cầu viện Thích Tây Tiết độ sử Cái Gia Vận. Minh Hoàng được tin, sai Gia Vận dẫn quân công đánh Đột Kị Thi. Thổ Hỏa Tiên và Đô Ma Đô chiếm cứ thành Toái Diệp, cùng Hắc Tính Khã hãn Nhĩ Vi Đặc Lặc cát cứ ở thành La Tư bèn liên kết với nhau kháng Đường.

Giứa năm 738, tướng Đỗ Hi Vọng đem quân tiến công Thổ Phiên, đoạt được đất Hà Kiều. Thổ Phiên cử 30.000 quân chống trả. Đỗ Hi Vọng vì binh ít lương thiếu, không thể chống lại Thổ Phiên. Nhưng khi đó có tả Uy vệ lang tướng Vương Trung Tự tự đem quân ra ứng chiến trước, giết hơn 100 quân, Hi Vọng nhân đó thừa cơ tập kích, Thổ Phiên bị đại bại. Không bao lâu sau, Minh Hoàng phong cho vua Nam Chiếu Mông Quy Nghĩa làm Vân Nam vương. Mông Quy Nghĩa tuy nhận tước phong của nhà Đường, kỳ thực chính là một vương quốc độc lập. Nước Nam Chiếu sau đó thu phục nhiều bộ lạc Nam Man, dần trở nên lớn mạnh và trở thành mối đe dọa mới ở biên cương.[45]

Trong khi đó ở đất Liêu Đông, nhà Đường dần để mất ưu thế vào tay Vương quốc Tân La. Năm 736, nhà Đường buộc phải thừa nhận quyền kiểm soát của Tân La đối với khu vực phía nam sông Đại Đồng, đến năm 743, Đường Minh Hoàng cho dời trị sở của An Đông đô hộ phủ đến Liêu Tây cố thành, tương ứng với Doanh châu[Ghi chú 21][78][79][80]. Đến khi An Lộc Sơn nổi dậy năm 756 thì An Đông đô hộ phủ chánh thức bị bãi bỏ[79][80].

Mùa thu năm 739, Khả hãn Thổ Hỏa Tiên bị Cái Gia Vận bắt sống. Sau đó Cái Gia Vận đánh thành La Tư, bắt sống Hắc Tính Khả Hãn Nhĩ Vi, bắt hơn 10.000 người đem về. Do đó thế lực của nhà Đường càng lớn mạnh. Năm 740, Cái Gia Vận bắt Thổ Hỏa Tiên về Trường An, Minh Hoàng hạ lệnh xá tội, phong làm Kim Ngô tướng quân. Sau đó ông phong cho A Sử Na Hân làm Thập tính Khả hãn, cai trị phương bắc. Minh Hoàng còn muốn thăng chức cho Cái Gia Vận, nhưng sau đó nghe theo tể tướng Bùi Diệu Khanh, cho rằng Gia Vận không có công, bèn không phong thưởng nữa. Mạc Hạ Đạt Can thất A Sử Na Hân làm Khả hãn, tức giận khởi binh. Minh Hoàng sai Cái Gia Vận tìm cách chiêu dụ và phong Mạc Hạ Đạt Can làm Khả hãn. Mạc Hạ Đạt Can bèn quy hàng, đến tháng 6 năm 742 thì giết A Sử Na Hân. Cùng năm đó, Minh Hoàng phong cho Đô Ma Độ làm Tam tính diệp hộ[45].

Thổ Phiên ngày càng lớn mạnh, liên tục dẫn quân công phá biên giới. Lúc này nhà Đường đã mệt mỏi vì chiến tranh, do đó Thổ Phiên càng xâm lấn nhiều hơn. Tuy quân Đường đánh dẹp được, nhưng quốc lực cũng bị tổn hao rất nhiều. Những năm cuối đời Đường Minh Hoàng, Thổ Phiên lại trở thành mối đe dọa thực sự của nhà Đường.

Mùa hạ năm 741, 140.000 quân Thổ Phiên rầm rộ kéo sang đất Thanh Hải nhà Đường. Tướng Tang Hi Dịch dẫn 5000 quân kích phá thành công, buộc Thổ Phiên rút lui[81]. Sang tháng 7 cùng năm, nước Đột Quyết sinh ra nội loạn của Cốt Đốt Diệp Hộ, nhà vua sai Tả Võ Lâm tướng Tôn Lão Nô liên kết với Hồi HộtCát La Lộc chờ thời cơ công đánh. Năm 743, quân Đường do Hoàng Phủ Duy Minh chỉ huy đánh bại Thổ Phiên ở thành Hồng Tế. Sang mùa hạ năm 744, Hà Tây Tiết độ sứ Mông Linh giết chết Mạc Hạ Đạt Can. Minh Hoàng bèn phong cho Cốt Đốt Lộc Bì Già làm Thập tính Khả hãn ở Đột Kị Thi.

Mùa thu năm 744, Bạt Tất Mật Công giết chết Khả hãn Ô Tô của Đột Quyết, dâng thủ cấp đến Trường An. Vương Trung Tự bèn nhân đó công đánh Đột Quyết, liên quân với Hồi Hột và Cát La Lộc, giết được Mật Hiết Điệt Y Khả hãn. Vua Hồi Hột là Cốt Lực Bùi La cũng nhân đó tự xưng Già Khuyết Khả hãn, triều đình nhà Đường công nhận ông ta. Từ đó Đột Quyết diệt vong, lãnh thổ cũ thuộc về Hồi Hột. Trong thời gian này, Hồi Hột chủ trương thần phục nhà Đường[74].

Năm 747, do Thổ Phiên bỏ việc triều cống, Minh Hoàng sai tướng người Cao Câu LyCao Tiên Chi đem quân thảo phạt Thổ Phiên; đại thắng được quân Thổ Phiên. Sai đó tướng Ca Thư Hàn được bố trí lãnh quân chống Thổ Phiên. Năm 748, Ca Thư Hàn nhiều lần đánh bại Thổ Phiên, khiến họ không dám vượt qua vùng Thanh Hải. Đến năm 750, Cao Tiên Chi (người Cao Câu Ly) suất quân diêt nước Khiết Sư, bắt vua Bột Đặc Một. Do vậy uy thế của nhà Đường mở rộng hơn về phía tây[77].

Tuy nhiên đến năm 751, nhà Đường lại phải chịu thất bại lớn trên chiến trường trước quân đội Nam Chiếu. Nguyên do là đầu năm này, vua Nam Chiếu Geluofeng (Các La Phụng) vì không chịu hối lộ cho thái thú Vân Nam[Ghi chú 22] Trương Kiền Đà, và Kiền Đà gièm pha với Minh Hoàng rằng Nam Chiếu có ý gây sự. Do đó Các La tức giận, dẫn quân đánh Vân Nam, giết được Trương Kiền Đà, chiếm 32 châu ở Vân Nam. Tháng 4 năm đó, quân Đường do Tiết độ sứ Kiếm Nam Tiên Vu Trọng Thông ra quân thảo phạt Nam Chiếu, song bị thua một trận lớn ở Lô Nam. Minh Hoàng sau đó lại cử 80.000 quân, phân hai đường, tiến đánh Nam Chiếu. Vua Nam Chiếu xin giảng hòa, nhưng Trọng Thông không chấp nhận, tiếp tục tiến binh. Kết quả quân Nam Chiếu đánh quân Đường tan tác, thiệt hại hơn 6 vạn nhân mạng, tức 3/4 quân số[82]. Nhưng Dương Quốc Trung đang cầm quyền trong triều lại giấu giếm việc này, nói dối là quân Đường đại thắng. Còn ở phía tây, chuỗi thắng trận liên tục của Cao Tiên Chi bị chặn đứng ở trận Talas trước quân Abbasid[Ghi chú 23][83] năm 751, khiến nhà Đường không thể xâm nhập sâu hơn về phía tây được nữa[77][84][85].

Sau đó Nam Chiếu nhiều lần xâm nhập biên cương. Quân Đường đối phó một cách chậm chạp và kém hiệu quả. Còn ở phía tây, Cao Tiên Chi lại gặp thất bại trước quân đội Thổ Phiên, thế lực của nhà Đường đối với lân bang do đó suy giảm rõ rệt.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Minh_Hoàng http://blog.sina.com.cn/s/blog_471fa0c7010090rm.ht... http://english.cri.cn/12394/2016/12/31/2743s948606... http://guoxue.baidu.com/page/d0c2ccc6cae9/95.html http://www.britannica.com/EBchecked/topic/274034 http://discovery.cctv.com/20080214/102466.shtml http://www.doisongphapluat.com/doi-song/an-choi/te... http://www.erct.com/2-ThoVan/PXuanHy/DuongQuyPhi.h... http://kilopad.com/Tieu-su-Hoi-ky-c12/doc-sach-tru... http://onggiaolang.com/38-khai-thien-thinh-the/ http://phimhd7.com/thien-tu-tam-long-12271/